Chính sách đối nội Minh_Thành_Tổ

Giống như cha mình Chu Nguyên Chương, Chu Đệ là một vị hoàng đế chăm chỉ và nghiêm khắc. Ông không đắm mình vào xa hoa chốn cung đình mà luôn thể hiện là người năng động và táo bạo.

Tượng đồng của Hoàng đế Vĩnh Lạc. Đây là bản sao của bức tượng đá gốc đã bị phá hủy trong Cách mạng Văn hóa.

Lại trị

Sau khi tàn sát các quan lại cũ của Minh Huệ Đế, chính quyền trung ương có những thiếu sót rất lớn về quan viên. Minh Thành Tổ vì vậy rất khao khát những người đọc sách có tài nguyện ý ra giúp mình. Ngay khi lên ngôi ông đã hạ lệnh mở ân khoa tuyển chọn sĩ tử vào triều làm quan để lấp các chỗ trống, tuy nhiên ông cũng rất khắt khe với việc gian lận. Thời Hồng Vũ, Minh Thái Tổ vì ít đọc sách nên không đặt nặng việc khoa cử, chỉ bổ nhiệm các thân tín, Thành Tổ cho cải cách khoa cử để hấp dẫn tầng lớp trí thức ra sức làm quan giúp mình. Ông đặt rất nhiều tâm huyết vào việc tuyển chọn nhân tài, thậm chí ông còn có những nguyên tắc riêng khi dùng người. Mặc dù là người độc đoán, Vĩnh Lạc cũng chứng tỏ mình là người sáng suốt và khôn ngoan khi biết tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các cố vấn.

Để giúp đỡ cho công việc của hoàng đế, Minh Thành Tổ đã cho thành lập một cơ quan mới là Nội các tập hợp các đại thần thân tín với người đứng đầu được gọi là Thủ phụ. Nội các sẽ giúp hoàng đế quản lý Lục bộ và các sự kiện quan trọng của đế quốc, chia sẻ và giảm bớt gánh nặng cho hoàng đế. Đây là việc không bao giờ xảy dưới triều Minh Thái Tổ, một người độc tài và không bao giờ tin tưởng thần tử của mình. Tuy nhiên đây cũng là tác hại lớn, khi các hoàng đế đời sau từ Anh Tông bắt đầu sa vào hưởng lạc, không quan tâm triều chính nên không còn giữ được sự khống chế với Nội các. Quyền lực của Nội các càng lúc càng lớn, có quyền bổ nhiệm quan viên, kiểm soát ngân khố và thậm chí là điều động quân đội. Người đứng đầu Nội các, sau hoàng đế, mới là người thực sự điều khiển đất nước như Nghiêm Tung hay thậm chí lấn át cả hoàng đế như Trương Cư Chính. Đây là một trong những điều dẫn đến sự suy vong của Nhà Minh. Thành Tổ còn là một vị vua nghiêm khắc với quan lại tham nhũng, trừng phạt họ giống như cha mình là Thái Tổ. Quan viên tham ô 60 lượng bạc thì chém đầu, nhiều hơn thì lột da.

Kinh tế

Sau 4 năm chiến tranh tranh giành ngai vàng, đất nước đã phải hứng chịu nặng nề những hậu quả của chiến tranh, nhân khẩu giảm mạnh, làng mạc ruộng đồng bị phá hủy. Đất nước phải đối mặt với sự suy giảm cả về kinh tế và dân số. Tân hoàng đế Vĩnh Lạc có những kế hoạch lâu dài và phổ thông để tăng cường và ổn định nền kinh tế mới, nhưng trước hết ông phải loại bỏ những kẻ bất đồng. Hoàng đế tạo ra một hệ thống kiểm duyệt phức tạp, cách chức các tham quan tung tin đồn bất lợi với nền kinh tế. Để tăng cường nền kinh tế và chống sự suy giảm dân số, Vĩnh Lạc cho thu hồi đất đai để ban phát lại cho dân nghèo đã mất đất trong chiến tranh, giảm thuế ở các vùng bị tàn phá nặng nề nhất. Việc làm này đã giúp ông sử dụng nhiều nhất lực lượng lao động có thể, và tối đa hóa sản lượng dệt may và nông nghiệp. Ông tuy là người tàn bạo nhưng trong những năm ông trị vì, dân số đã khôi phục và phát triển, số lượng người chết vì đói rét rất ít.

Minh Thành Tổ bất đồng ý kiến với cha mình về thương nghiệp. Nếu như hoàng đế Hồng Vũ là người bài xích giai cấp thương nhân, ra lệnh bế quan tỏa cảng ức chế thương nghiệp thì Vĩnh Lạc lại cho mở cửa, xây cảng biển và cho thái giám thân tín của mình là Trịnh Hòa thực hiện các chuyến du hành ra đại dương để tìm các đối tác thông thương và khám phá ra các vùng đất mới. Điều này đã tăng thêm thu nhập cho đế quốc, phục vụ cho các công trình xây dựng tốn kém và các cuộc chinh phạt quy mô.

Các công trình xây dựng

Minh Thành Tổ cho thực hiện cuộc tái thiết lớn Đại Vận hà, trong những năm ông trị vì công trình Đại Vận hà gần như đã được hoàn thành và Đại Vận hà được dùng để di chuyển các hàng hóa nhập khẩu đến từ khắp nơi trên thế giới. Việc này cũng giúp cho giao thông phát triển, lương thực từ phía nam có thể dễ dàng vận chuyển ra phía bắc đảm bảo cho các cuộc chinh phạt Mông Cổ của hoàng đế.

Việc tiếp theo của Minh Thành Tổ là muốn dời đô về phía bắc mà kinh đô chính là Bắc Bình, thủ phủ cũ của ông khi còn là Yên vương, mặc dù vấp phải nhiều sự phản đối của các đại thần, phần nhiều là do tổ huấn của vua cha Thái Tổ phải định đô ở Kim Lăng để tránh sự xâm lược từ Nhung Địch phía bắc. Nhưng sau khi được một số tướng lĩnh khuyên can rằng Kim Lăng nằm ở vị trí dễ bị công phá bởi pháo binh và không tin tưởng vào hệ thống phòng thủ của thành phố do nhìn vào tấm gương của Minh Huệ Đế, cộng thêm tư tưởng: "Thiên tử thủ biên cương", Vĩnh Lạc vẫn quyết định dời đô về Bắc Bình và cho đổi tên là Bắc Kinh (hay Yên Kinh) còn Kim Lăng đổi thành Nam Kinh. Nam Kinh vẫn có Lục bộ riêng và được trấn thủ bởi em vợ của hoàng đế, con trai út của đại tướng khai quốc Từ Đạt. Ở Bắc Kinh, Minh Thành Tổ cho thực hiện một mạng lưới công trình đồ sộ, một nơi mà có thể đặt được các cơ quan chính phủ và là nơi cư trú cho các thành viên hoàng thất. Để thực hiện công trình này Minh Thành Tổ đã cho huy động hơn 10 vạn dân phu, và sau 13 năm (1407-1420), Tử Cấm thành đã được hoàn thành và trở thành thủ đô cho hai đế quốc Minh-Thanh trong 500 năm tiếp theo.

Trong khi Minh Thái Tổ muốn bản thân và con cháu được chôn ở Hiếu lăng, Nam Kinh thì việc dời đô của Thành Tổ đã làm xuất hiện một việc cấp thiết là phải kiến tạo một lăng mộ hoàng gia mới. Sau khi được cố vấn bởi các thầy địa lý phong thủy, Minh Thành Tổ chọn một vùng đất phía bắc thành Bắc Kinh làm nơi xây dựng mộ phần của mình và các hoàng đế tiếp theo. Trong hơn 200 năm tiếp theo, 13 vị hoàng đế Nhà Minh đã được chôn cất tại đây.

Văn hóa

Năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1403), Thành Tổ cho người biên soan một bộ bách khoa toàn thư, lấy tên là Vĩnh Lạc đại điển, với chủ biên là Thủ phụ đầu tiên của Nhà Minh là Giải Tấn, một học giả tài danh đương thời cùng với 147 học giả khác. Bộ sách được biên soạn với mục đích gìn giữ bảo vệ văn hóa và văn học Trung Quốc bằng chữ. Đến năm 1408, bộ sách được hoàn thành, trở thành bách khoa toàn thư đầu tiên của thế giới và là bộ sách đồ sộ nhất của thể loại này, tuy nhiên vì quá to lớn, nên bộ sách không được in ra mà chỉ có một bản duy nhất, đến nay đã gần như mất dần với thời gian.

Minh Thành Tổ còn là người khoan dung với các tư tưởng triết học khác với mình (nhà vua là người theo đạo Khổng Mạnh), đối xử bình đẳng với các tôn giáo Phật-Đạo-Nho. Mặc dù các nho sinh đương thời xem ông là kẻ đạo đức giả, việc đối xử khoan dung và bình đẳng tôn giáo đã giúp ông có được sự yêu quý của nhân dân, củng cố sự thống nhất đế quốc. Việc xem trọng văn hóa truyền thống đã dấy lên làn sóng căm ghét văn hóa Mông Cổ còn sót lại ở Trung Quốc, hoàng đế xem việc ăn mặc, đặt tên, nói năng như người Mông Cổ là rác rưởi và ra lệnh cấm tiệt. Đạo Hồi dưới triều ông cũng rất phát triển, nhà vua đã ra lệnh xây thêm 2 nhà thờ Hồi giáo để truyền giáo. Ông được nhân dân đương thời gọi là "Vị Phật năng động".

Triệt phiên

Sau khi lên ngôi, nhận biết được tác hại của các phiên vương đối với hoàng quyền mà chính bản thân mình là ví dụ điển hình và thành công nhất, Thành Tổ quyết tâm triệt phiên. Nhưng rút được bài học từ Minh Huệ Đế triệt phiên quá vội vàng, thậm chí là mất hết nhân tính khi tru diệt nhiều phiên vương và không cân nhắc các biện pháp quân sự tương xứng, cũng như không muốn đế quốc mới thống nhất lại bị chia cắt và tàn phá bởi thêm một cuộc nội chiến nữa, Thành Tổ sử dụng các biện vỗ về an ủi các vương ngoài mặt nhưng ngấm ngầm thực hiện các mưu đồ suy yếu các phiên. Các phiên vương dần bị bãi bỏ binh quyền và thu giảm đất phong trong suốt thời kỳ trị vì của Thành Tổ. Cuối cùng các phiên vương trở thành những kẻ sống xa hoa lãng phí, ăn no nằm chờ chết và trở thành gánh nặng của đế quốc.

Ninh Vương Chu Quyền, người em thứ 17 của Thành Tổ, là một trong những đồng minh trung thành nhất và góp nhiều công lao trong việc giành lấy ngai vàng cho vua anh. Lực lượng của Ninh Vương là mạnh nhất sau Yên Vương thời đó, nên Thành Tổ lúc khởi sự đã hứa khi sự thành sẽ cùng hưởng chung thiên hạ với Ninh Vương. Tuy nhiên khi lên ngôi, nhà vua đã ép Ninh Vương phải rời bỏ đất phong và chuyển về một vùng đất nghèo nàn hơn và bị bãi bỏ binh quyền. Ninh Vương chết trong uất ức, còn con cháu ông cũng mang lòng bất mãn với triều đình. Đỉnh điểm là hậu duệ Chu Thần Hào của Ninh Vương nổi binh làm phản dưới thời Chính Đức của Minh Vũ Tông, tuy nhiên đã bị đàn áp và thất bại, dòng dõi của Ninh Vương bị giết hết và biến mất.

Trị an

Khi thành Nam Kinh bị phá, Minh Huệ Đế đốt cung điện và Thành Tổ sai người tìm thấy một xác chết cháy đen không nhận biết được nên Thành Tổ nghi ngờ rằng Huệ Đế dùng kế kim thiền thoát xác và đang lẩn trốn trong dân gian. Thành Tổ lên ngôi lập tức hạ lệnh tái lập cơ quan mật vụ đầy tai tiếng dưới thời cha mình là Cẩm Y Vệ. Nhiệm vụ của Cẩm Y Vệ là bắt giữ và tra tấn các quan viên trung thành với Minh Huệ Đế, giám sát và có quyền bắt giữ các quan viên bị nghi ngờ là mang lòng phản nghịch, nhưng trọng yếu nhất là tìm và diệt "Kiến Văn dư đảng" bao gồm cả Huệ Đế dù sống hay chết. Cẩm Y Vệ được Thành Tổ giao cho một tướng lĩnh thân cận đã lập được nhiều công lao trong Tĩnh Nan chi dịch là Kỷ Cương làm Cẩm Y Vệ Chỉ huy sứ. Kỷ Cương ỷ được Thành Tổ yêu quý nên hoành hành ngang ngược, không việc ác nào không làm, thậm chí còn lén sai người chọn trong các tú nữ dâng lên cho hoàng đế để cướp những người đẹp nhất về cho mình.

Trái ngược với cha mình là Thái Tổ và người tiền nhiệm là Huệ Đế, những người mang ác cảm với hoạn quan, còn treo bảng hoạn quan can chính thì giết không tha, Thành Tổ lại cực kỳ tín nhiệm hoạn quan, vì nhờ các hoạn quan bị Huệ Đế ngược đãi đã bán tin mật của triều đình cho Thành Tổ, còn đem dâng Nam Kinh cho Thành Tổ. Khi Kỷ Cương dính vào án mưu phản, Kỷ Cương xin Thành Tổ niệm tình công lao bao năm nay, xin được chịu chết một mình và xin hoàng đế tha cho cả họ. Thành Tổ ban đầu cũng mủi lòng, nhưng khi nghe bọn tay chân của Kỷ Cương báo lại các việc làm của hắn trong đó có việc cướp tú nữ, Thành Tổ giận lắm, sai người tru di hết chín họ của Kỷ Cương, bản thân Kỷ Cương và đứa cháu bị lăng trì cắt từng miếng thịt. Qua sự việc này, Thành Tổ thấy Cẩm Y Vệ quyền hành lớn quá, che cả tai mắt nhà vua nên quyết định lập thêm một cơ quan mật vụ nữa để phân quyền với Cẩm Y Vệ. Năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), Thành Tổ cho thành lập Đông Tập Sự xưởng, gọi tắt là Đông Xưởng, do một hoạn quan thân tín đứng đầu, gọi là Xưởng công. Đông Xưởng cũng có nhiệm giám sát bách quan, truy bắt và tiêu diệt các phần tử phản nghịch với thêm một nhiệm vụ trọng yếu nữa là cùng Cẩm Y Vệ giám sát lẫn nhau. Việc này đã mở màn cho hoạn quan bước lên vũ đài chính trị, khi các nha môn của triều đình dần rơi vào tay hoạn quan, còn các hoạn quan được phái đi trấn thủ khắp các nơi trên đất nước. Việc tranh chấp giữa Xưởng và Vệ, các quan lại sĩ lâm và lực lượng hoạn quan vô tình đã đẩy Nhà Minh vào bờ vực bất ổn rồi đến suy yếu và diệt vong, khi các quân chủ đời sau không còn đủ khả năng để kiểm soát hoàn toàn các lực lượng này. Các hoạn quan Nhà Minh đã vì lợi ích bản thân mà làm suy yếu đế quốc điển hình là Vương Chấn, Uông Trực, Lưu Cẩn và nổi tiếng nhất vì đã trực tiếp làm Nhà Minh đi đến bờ diệt vong là Ngụy Trung Hiền.